Hợp tác quảng cáo được coi là một giải pháp kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trẻ trong việc duy trì và phát triển kinh doanh của mình. Với nguồn ngân sách tiếp thị hạn hẹp thì việc hợp tác quảng cáo có thể giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng tiếp cận gần hơn với đối tượng khách hàng.
Hợp tác quảng cáo bao gồm 2 loại chính bao gồm: Hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hay đại lý bán lẻ trong việc quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất; Hợp tác giữa các nhà sản xuất có sản phẩm tương đồng để quảng bá đến một đối tượng khách hàng nhất định, thay vì tách rời nhau.
Nếu mỗi bên chia sẻ 50% chi phí quảng cáo thì cả 2 doanh nghiệp đều có lợi, có thể làm được nhiều điều hơn để giúp quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình. Việc xác định chi phí chia sẻ tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể là 50%-50% hay một tỉ lệ khác tùy theo lợi ích của mỗi bên nhận được.
Hợp tác và chia sẻ chi phí quảng cáo phần nào giúp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng quảng cáo cũng như gia tăng tần suất quảng cáo nhiều hơn, thay vì một mình một chiến tuyến. Việc gia tăng chất lượng quảng cáo khi nhà sản xuất có nhiều ngân sách hơn để chi phí cho sáng tạo, thiết kế lên ý tưởng. Việc gia tăng tần suất hay độ rộng của quảng cáo qua việc lựa chọn những kênh quảng cáo hiệu quả hơn ví dụ như truyền hình, báo chí… mà trước đây với nguồn ngân sách hạn hẹp thì doanh nghiệp không thể “mơ” đến được.
Hợp tác quảng cáo có thể thực hiện qua nhiều loại hình, kênh quảng cáo khác nhau từ chi phí thấp như tờ rơi, catalog, cho tới tặng sản phẩm tiếp thị đến các loại hình quảng cáo chi phí cao như truyền hình, báo chí, radio, quảng cáo ngoài trời, triển lãm, sự kiện,…

Mặc dù đây là một hình thức đôi bên cùng có lợi, tuy nhiên khi sử dụng thì cũng có những ưu nhược điểm mà doanh nghiệp cần cân nhắc.
Ưu điểm:
- Giảm được chi phí quảng cáo, đồng thời gia tăng được độ rộng và tần suất của quảng cáo.
- Có thể sử dụng tiền hợp tác để hoàn thiện các thiết kế và ý tưởng quảng cáo mới hay chọn chất liệu sản xuất quảng cáo tốt hơn (giấy tốt hơn, in màu thay vì in trắng đen…) => gia tăng hiệu quả truyền thông quảng cáo.
- Có thể chọn được cùng một lúc nhiều kênh quảng cáo qua nguồn ngân sách được tăng thêm này.
Nhược điểm
- Có thể có những bất đồng trong quá trình nhà sản xuất, vì bên nào cũng chỉ muốn quảng bá sản phẩm của mình.
- Bất đồng có thể xảy ra khi nhà sản xuất và nhà bán lẻ không thống nhất thời điểm quảng cáo (vd: nhà sản xuất muốn quảng cáo đầu tuần trong khi nhà bán phân phối thì lại chọn thời điểm cuối tuần chẳng hạn…).
- Một điểm hạn chế nữa chính là cả 2 bên có thể sẽ tranh cãi về việc thiết kế và bố trí quảng cáo. Về khía cạnh nhà sản xuất thì họ quan tâm đến kiểm soát hình ảnh thương hiệu, thiết kế thương hiệu sao cho nhất quán. Với nhà phân phối thì thường không quan tâm hay không biết quy luật thiết kế của nhà sản xuất nên việc thiết kế có thể tốn nhiều thời gian chỉnh sửa.
- Một hạn chế nữa chính là nhà phân phối hay bán lẻ sẽ phải ứng tiền ra trước để quảng cáo và sau đó họ mới được nhận lại tiền từ nhà sản xuất. Với điều khoản này thường làm nản lòng các nhà phân phối và đôi khi có những chuyện không minh bạch trong việc tính toán chi phí (ví dụ nhà phân phối chỉ in 1.000 tờ rơi, tuy nhiên có thể khai là 10.000 tờ rơi => chi phí nhà sản xuất phải chia sẽ tăng lên).
Mặc dù có nhiều nhược điểm trong việc hợp tác quảng cáo, tuy nhiên với ưu điểm vượt trội về giảm thiểu chi phí quảng cáo nên hình thức này cũng đang được áp dụng rộng rãi. Với tình hình kinh tế suy thoái và ngân sách tiếp thị hạn hẹp của các doanh nghiệp ở Việt Nam, hợp tác quảng cáo có thể được xem là một lại hình nên lựa chọn tại thời điểm này.
0 nhận xét: