Làm thương hiệu cho phim Việt như thế nào? là câu hỏi đau đầu của những nhà làm phim có tâm tại Việt Nam. Hiện nay những bộ phị Việt thường bị rẻ rúm ở bất kỳ nơi đâu, ngay tại các rạp chiếu phim thì các bộ phim Việt có doanh thu vào trăm nghìn đồng... Trong khi các bộ phim nước ngoài có doanh thu hàng trăm tỷ ngay tại các rạp chiếu phim ở Việt Nam.
Có phải là do chúng ta làm thương hiệu quá kém, hay do chất lượng phim và nội dung phim không thu hút được người xem. Dù là nguyên nhân gì thì chúng ta cũng nên tìm từng nguyên nhân để cùng nhau giải quyết vấn đề, và trong bài viết này chúng ta sẽ bàn làm thương hiệu cho phim Việt như thế nào..?

Nổi trội là việc nhận diện thương hiệu phim Việt còn yếu và cơ chế quản lý chưa hoàn thiện. Thực tế này được chỉ ra ở hai cuộc hội thảo ngày 2/12 và 3/12, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) VN lần thứ 19 – 2015 tại TP. HCM.
Số lượng phim Việt sản xuất ngày càng tăng, năm nay có đến 40 phim ra lò, so với mỗi năm chừng chục phim như trước đây. Tốc độ phát triển của nền điện ảnh được thể hiện qua con số, nhưng thực tế phim Việt vẫn chưa được đánh giá cao ở thị trường nội địa và không có dấu ấn nào đáng kể ở thị trường nước ngoài.
Những bộ phim hài mang tiếng cười hời hợt, những phim ma hù dọa ngô nghê được sản xuất cấp tập, ra rạp tràn lan trong sự hả hê của các nhà sản xuất vì dễ thu hồi vốn. Nhưng chúng đã góp phần… hạ thấp vị thế phim Việt trong mắt khán giả. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN ngao ngán:
“Thế giới biết phim VN không thể qua những phim hài hay kinh dị mà phải là những tác phẩm có câu chuyện thuần Việt, cách làm mới mẻ, độc đáo, hướng đến cái chung, cái đẹp. Để phim VN có thương hiệu, phải đạt hai yêu cầu: đoạt giải tại các LHP quốc tế có uy tín, bán được ra nước ngoài”.
Thực tế, chưa có phim Việt nào do đạo diễn VN thực hiện được vinh danh ở một hạng mục giải thưởng chính thức nào của các LHP lớn trên thế giới. Việc bán phim ra nước ngoài thì rất nhỏ giọt, hơn 10 năm qua chỉ có khoảng 40-50 phim Việt được các nước mua.
Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó chủ tịch Công ty BHD, đơn vị tiên phong xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài cho biết: “Những phim thành công về doanh thu ở VN thường là phim hài nhưng thể loại hài rất khó bán bởi văn hóa mỗi nước khác nhau. Phim võ thuật dễ bán hơn, như Lửa Phật bán được hơn 200.000 USD, cao nhất đối với một phim Việt, nhưng dòng phim này chi phí đầu tư cao, khó thu hồi vốn ở trong nước nên ít người dám làm”.
Biên kịch Đinh Thiên Phúc bức xúc trước thực trạng “mỏ vàng” phim lịch sử bị các nhà làm phim bỏ qua, trong khi với sự độc đáo lẫn bề dày của lịch sử VN, phim Việt hoàn toàn có thể tạo ra những câu chuyện mang bản sắc để ghi dấu ấn trên thế giới. Ông dẫn chứng: hơn 50% phim được Mỹ bình chọn là những tác phẩm hay nhất mọi thời là phim lịch sử.
Với Trung Quốc, Hàn Quốc phim lịch sử cũng là “vũ khí hạng nặng”, được sản xuất với tiêu chí “đánh lớn thắng lớn” như Đại chiến Xích Bích thu 250 triệu USD, Đại thủy chiến thu trên 100 triệu USD. “Đề tài lịch sử có thể pha trộn thành nhiều thể loại: chiến tranh, tình cảm, kinh dị đều được. Các nhà làm phim VN chỉ cần chú ý khắc họa số phận nhân vật lịch sử chứ đừng đua đòi làm những phim lịch sử kiểu “bom tấn” như Hollywood”, ông Phúc nói.
Ngành điện ảnh rất được Nhà nước quan tâm với hàng loạt luật, nghị định, đề án chiến lược, quy hoạch. Tuy nhiên nhiều điểm trong những chính sách ấy cũng đồng thời “ràng chân” phim Việt. Đơn cử chuyện đấu thầu phim đặt hàng, theo quy định các kịch bản được duyệt phải có tính tư tưởng cao, đề tài khá hạn hẹp, chủ đề thay đổi theo từng thời kỳ, các biên kịch cũng không được hỗ trợ kinh phí trong trường hợp kịch bản không được chọn nên số kịch bản đáp ứng tiêu chí rất hiếm.
Việc căn cứ vào giá thầu thấp để chọn đơn vị sản xuất dễ cho ra đời sản phẩm kém chất lượng. Thủ tục hành chính trong việc thẩm định phê duyệt kinh phí, quyết toán rườm rà, chậm đổi mới. Đó là chưa kể nhiều trở ngại khác liên quan đến tiền nong như nhuận bút còn mang tính cào bằng, chuyện hoa hồng – môi giới chưa được quan tâm, chưa quy định phân chia lợi nhuận cũng như thưởng cho nhà sản xuất khi phim đạt doanh thu cao…
Trong khi các quốc gia trên thế giới và khu vực đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để khuếch trương nền công nghiệp điện ảnh thì ở VN, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở trên giấy tờ, như: đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; dự thảo Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; dự thảo phân loại phim, tiêu chuẩn kỹ thuật của một bộ phim, một cụm rạp…
Tuy nhiên tính khả thi của các văn bản này còn mơ hồ. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền, giám đốc hãng phim Tincom Media, đề xuất cụ thể : “Mong Nhà nước giúp đỡ trong việc đưa những tác phẩm nghệ thuật vào rạp hay hỗ trợ cho những người trẻ, đam mê phim ảnh có cơ hội tham gia đào tạo ở nước ngoài”.
Không chỉ có chuyện đưa người ra nước ngoài học hành, việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, ưu đãi thuế cũng là những kiến nghị được người trong nghề liên tục đưa ra trong các hoạt động của ngành nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.
Theo Hương Nhu/Phụ Nữ Online
0 nhận xét: